Mối liên quan giữa cái bật lửa và đồ án tốt nghiệp của sinh viên

[Mối liên quan giữa cái bật lửa và đồ án tốt nghiệp của sinh viên]

Không hút thuốc nhưng mình cũng đua đòi mua bật lửa Zippo về chơi.
Có đến vài lí do nhưng trong đó có: Đã nghe danh từ lâu + mua ở đây thì chắc chắn là đồ chính hãng. Hôm qua vô tình gặp một chiếc "2nd hand" dập chữ "Limited Edition" 302/1000 nên không ngần ngại xuống tiền.

Mua xăng về, bơm bơm ngửi ngửi mãi cũng lên lửa. Ngắm nghía qua một hồi và dùng thử thấy: trước thì là hay ho, sau thì là nể phục.

Đầu tiên là về cái bấc. Bấc của bật lửa được "cài cắm" thêm 2-3 sợi dây gì đó (đoán là dây đồng) không hiểu để làm gì nhưng mình đoán có 2 chức năng: định hướng cho bấc đỡ bị "rũ rượi" và giảm khả năng lửa thui sạch mất bấc. Bật lửa loại này cháy bằng xăng chứ đâu phải bằng bấc. Những cái tương tự của VN ngày xưa lúc nào bấc cũng cụt đến tận cổ, rút lên liên tục mà vẫn bị thui hết. Tuy nhiên nghĩ kỹ thì rất có thể nó có thêm chức năng "hút xăng". Lí do là khi cháy >>> nóng >>> nhiệt theo mấy sợi dây truyền xuống làm xăng ở cạnh nóng và bốc hơi mạnh >>> phun hơi lên >>> lửa cháy mạnh? Vỏ sắt + cơ chế này làm cho ngọn lửa cháy khá to, khá lâu mà không bỏng tay + không bị tắt do cháy hết bấc.



Để tắt lửa, thổi cũng là một cách nhưng thổi cũng cần có nghệ thuật đó là thổi từ trên xuống. Tuy nhiên cách đơn giản hơn là đóng nắp. Đóng nắp >>> Hết oxy >>> Phải tắt. Để làm được điều này thì yêu cầu là nắp phải rất kín.

Tuy nhiên kín không phải chỉ để tắt lửa mà còn để chống xăng bốc hơi mất. Cái này mình phát hiện ra mỗi khi mở nắp và bật nhanh, ngọn lửa bùng lên 1 chút rồi cháy bình thường >>> Có sự tồn tại của hơi xăng bị giữ trong nắp, chưa kịp bay khi vừa mở ra. Bật lần thứ 2 không thấy có, đóng nắp lại mấy phút lại có >>> Thử hỏi nếu không kín thì xăng bay liên lục, ngày đổ xăng mấy lần (ở lâu trong phòng kín rồi bật một cái có khi cháy nhà).

Một mẩu kim loại hình thù không giống ai (tạm gọi là cục xương) được thêm vào bản lề làm cho nắp bật lửa đóng rất kín nhưng mở rất nhẹ. Khi đóng mở đều kêu lách tách cũng vui tai. Nghe qua có vẻ chỉ là cho vui nhưng soi kỹ thấy cũng có điểm hay ho. Khi đóng, cục xương này ghìm nắp chặt vào thân; khi mở, nó giữ cho nắp không bị rơi ngược xuống. Hình cục xương được tính sao cho nếu nắp có rơi ngược về sẽ bị chặn lại tại điểm gần chạm đến ngọn lửa khi cháy. Và khi lấy tay gạt, cục xương này tạo ra một cái lẫy làm cho nắp đóng sập xuống rất nhanh. Việc đóng nhanh không đơn giản chỉ là tạo tiếng "tách" mà đảm bảo lửa được dập nhanh trong mọi hoàn cảnh. Thời gian kể từ lúc nắp vượt qua lẫy đến khi đóng hẳn chỉ cỡ vài phần của giây nên không bị thui nóng.

Mặt khác, cũng vì có cục xương này giữ nên bản lề khá lỏng lẻo. Lỏng để khi mở có thể quay trơn, tự do. Nhưng mình cũng tự hỏi nếu bản lề chặt thì chưa chắc nắp đã đóng kín được hoàn toàn. Vậy là bản lề lỏng để mà đóng cho kín và độ lỏng hợp lý đã được tính toán?



Có thể còn nhiều điều thú vị khác mà chưa khám phá hết nhưng thế đã tạm đủ cho một cục sắt vứt xó bếp chưa?

Ngồi nghĩ từ cái bật lửa mà liên hệ sang đề tài tốt nghiệp của sinh viên (và cả của chính mình). Toàn những thứ cao siêu nhưng hiệu quả bằng 0. Một chồng đồ án tốt nghiệp cao 100 cm thì có đến 90 cm là về những thứ mà một người bình thường không thể tiêu hóa nổi. Đặc điểm chung là từ cao siêu đến quá cao siêu và từ trùng lặp ý tưởng đến giống như đúc. Cao siêu vì đó là một cách để khẳng định mình không thua chúng bạn. Trùng lặp vì trên mạng nhiều tài nguyên nên dễ "tham khảo". Nghiên cứu cao siêu nhưng thời gian chỉ có 6 tháng nên rốt cuộc hầu hết chẳng thu được gì. Cho mình chứ chưa nói là cho bạn bè, xã hội.
(Đây chỉ là ý kiến cá nhân)



Một bạn sinh viên khi tốt nghiệp chỉ cần hiểu rõ "cách thức tiến hành một nghiên cứu cơ bản" là đủ đối với 1 đồ án. Nghiên cứu cái gì, kết quả tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cách thức tiến hành mới là quan trọng. Cao siêu quá >>> Không hiểu, không làm được >>> Làm giả, xin, chép, tìm cách chống đối >>> Đầu óc dành cho nghiên cứu thì ít mà nghĩ cách lách thầy cô thì nhiều >>> Đương nhiên không thu được gì. Mới bước chân vào con đường nghiên cứu mà lại chọn cái cao siêu thì không thu được gì lại càng là một chân lý. Vấn đề này đúng sai tùy quan niệm nhưng chắc ai cũng ít nhiều đã có lần gặp phải.

Đi chưa nhiều, biết chưa nhiều nhưng mình đang ngấm dần dần một suy nghĩ: Có một kiểu giỏi là nghiên cứu sâu về những thứ có vẻ khá đơn giản. Và muốn giỏi thì lại càng phải dành thời gian nghiên cứu để hiểu rõ về những thứ đơn giản hơn nữa. Điều này cần áp dụng một cách linh hoạt chứ không cứng nhắc.

--------------------------

Quay trở lại chuyện cái bật lửa. Khi viết đến vấn đề "nghiên cứu" >>> Nhớ ra google >>> Thử lên mạng tìm thông tin thì quả là không tầm thường. Theo wikipedia, có tới 400 triệu chiếc bật lửa này đã được sản xuất. Giá khác nhau tùy độ hiếm, vật liệu nhưng kết cấu thì không thay đổi. Lí do của tất cả những điều trên là vì nó không phải là sản phẩm của sự ngẫu hứng mà là kết quả của một nghiên cứu và đã được cấp bằng sáng chế.

Vậy là 1 cái bật lửa, giá không hề rẻ nhưng bán được tới 400.000.000 chiếc. Điều này khẳng định một thứ có vẻ như rất đơn giản nhưng được làm đến nơi đến chốn, do khoa học dẫn đường chỉ lối đã trở thành một thứ rất đáng nể. Chức năng cơ bản thì vẫn giống bật lửa ga giá chỉ 1000đ - 2000đ.

Trên ảnh, mình đang kiểm tra thông tin "Cấu tạo đặc biệt cho phép nó không bị tắt trước gió". Thử đặt trước quạt bàn, số to nhất, cách 1m mà lửa không tắt (chính xác là khó tắt). Nếu là bật lửa ga thì chắc là tèo ngay từ khi quạt đang khởi động.

--------------------------

Quay trở lại chuyện sinh viên và đồ án. Một vấn đề đơn giản nhưng cần sâu chỉ dành cho những sinh viên giỏi. Càng giỏi thì càng cần đi sâu vào những thứ có vẻ như đơn giản. Cứ hiểu rõ những thứ đơn giản sẽ tạo ra những thứ phức tạp, thậm chí là phức tạp đến mức tùy ý.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn